Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng: Trường hợp nghiên cứu tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La

Title: Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng: Trường hợp nghiên cứu tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La
Authors: Le Trong Toan
Keywords: Chi trả dịch vụ Môi trường rừng;Chính sách PFES
Issue Date: 2013-11
Publisher: Viện Tài nguyên và Môi trường
Abstract: Các hệ sinh thái rừng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với con người trong việc duy trì môi trường sống, đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Rừng không chỉ cung cấp nguyên liệu như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, mà còn có các lợi ích trong việc duy trì và bảo vệ môi trường, đó là điều hòa khí hậu, hạn chế xói mòn và bồi lắng, bảo vệ bờ biển, điều tiết nguồn nước và hạn chế lũ lụt. Hạn chế biến đổi khí hậu thông qua nguyên lý làm bồn chứa lưu trữ các bon, cắt giảm phát thải khí nhà kính. Các dịch vụ hệ sinh thái rừng có liên quan mật thiết với sinh kế người nghèo và tất cả các cộng đồng, được cho là những mối quan hệ nhân quả quan trọng giữa sự biến đổi sinh kế nông thôn và độ che phủ rừng. Người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa ở nông thôn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng hóa và dịch vụ môi trường từ rừng tự nhiên, những lợi ích lớn thông qua việc chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, khai thác và bán gỗ, cũng như các sản phẩm từ rừng khác. Tiền thu được làm vốn và chi trả các dịch vụ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày [Sunderlin và Huỳnh Thu Ba, 2005]. Mặc dù các lợi ích môi trường do rừng đem lại là rất đáng kể, nhưng việc quản lý bền vững tài nguyên rừng vẫn là những thách thức. Nạn chặt phá rừng và chuyển đổi rừng sang mục đích nông nghiệp, công nghiệp, chăn nuôi và các mục đích khác đang diễn ra ở mức báo động. Trong giai đoạn 1990-2000, tổng diện tích rừng trên toàn thế giới mất đi khoảng 8,9 triệu ha, trong giai đoạn 2000-2005 mất đi khoảng 7,5 triệu ha [FAO, 2005]. Ở Việt Nam, diện tích rừng cũng bị giảm đi nhanh chóng, trong giai đoạn 1943-1990, khoảng 5 triệu ha [Bộ NN&PTNT, 2005]. Theo Quyết định 1739 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 31 tháng 7 năm 2013 công bố hiện trạng rừng toàn quốc cho thấy, tính đến hết năm 2012, Việt Nam hàng năm có khoảng trên 30.000 ha rừng tự nhiên bị chuyển đổi sang các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp. Diện tích rừng trồng được khai thác hàng năm khoảng gần 57.000 ha. Chính vì vậy, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã không ngừng đề ra các chính sách nhằm phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo vệ các dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế cho các cộng đồng sống gần rừng. Với những nỗ lực của Chính phủ và người dân, Việt Nam đã vạch ra những chiến lược phát triển thông qua các chính sách như Chương trình trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và mặt nước (gọi tắt là Chương trình 327), Dự án trồng mới năm triệu ha rừng (gọi tắt là Dự án 661), Chương trình giao đất giao rừng, v.v... Trong những năm qua, diện tích rừng của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, từ 28,8% (năm 1998), lên 36,7% (năm 2004) và 39,7% (năm 2011) [Võ Quý, 2011; Bộ NN&PTNT, 2012]. Năm 2013 cũng là năm ghi dấu ấn khi ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện trên quy mô cả nước và bước đầu có hiệu quả tích cực đến công tác bảo vệ rừng. Ngành lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính to lớn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt cho việc thực hiện sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+) và Tăng cường Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) [Tô Xuân Phúc & Trần Hữu Nghị, 2014] Giá trị sản xuất lâm nghiệp phát triển tương đối ổn định, tăng 6,04% so với năm 2012. Tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2013 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 25,1% so với kế hoạch, tăng 15,24% so với cùng kỳ năm 2012. Công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt: bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản, quản lý động vật hoang dã và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm 2012 [Bộ NN&PTNT, 2014].
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/54750
Appears in Collections:CRES - Master Theses

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng: Trường hợp nghiên cứu tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La

Title:  Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng: Trường hợp nghiên cứu tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La Autho...